Sunday, March 18, 2007

CÁ CÓC KHO NƯỚC DỪA


Nhiều người có dịp về miền Tây thường rẽ vào thị xã Vĩnh Long để thưởng thức món cá cóc kho nước dừa. Mà phải ghé đúng quán cơm Tân Tân mới cảm nhận được hết vị ngon của loại đặc sản chỉ có trên sông Tiền và một số vùng trên sông Hậu.

Tôi hỏi ông Ba Dư (Phan Văn Dư – sinh năm 1922), chủ nhân của quán cơm Tân Tân, rằng gọi thế nào mới đúng “cá cóc hay cá cốc?”.Ông nói: “Tui mở quán cơm từ năm 1946. Dân miền Tây nói cá cóc hay cốc gì cũng là nó thôi. Sáu chục năm qua chưa nghe ai nói có hai loại khác nhau”. Ông kể thêm: “Tui sinh ra, lớn lên, lập gia đình, mở quán ăn ở bên bờ sông Tiền này, khi xóm Đập, xóm chài, xóm Bún còn ở sát mé sông, bến tàu Nam Giang còn đông đúc. Tui biết đủ loại tôm cá, sau cá cháy sông Hậu thì chưa có loại nào ngon bằng”. Những ngư dân thường đem cá bán cho quán Tân Tân cho biết, cá cóc hiếm và khó đánh bắt. Chúng sống ở những chỗ nước sâu, có nhiều sỏi đá, gốc cây, trụ cầu, bờ vực và thường tìm mồi ở những nơi nước chảy xiết nên chỉ những tay câu, lưới lão luyện mới bắt được. Thành ra, để có được cá cóc phục vụ khách, quán cơm Tân Tân phải có “chân rết”, mối mang trải dài từ Cái Bè, Chợ Lách, Mang Thít, Vũng Liêm,… với giá không dưới 70.000 đồng/kg, cao gấp hai, ba lần các loại cá khác.
Ông Ba Dư nói: “Cá cóc phải còn sống, cân nặng từ 2kg trở lên mới ngon, thịt chắc, ít xương, thơm và ngọt, ngon nhất là phần đầu”. Để chế biến, sau khi đem cá về, giữ cho cá đừng chết, gần tới giờ ăn mới làm sạch nhưng không đánh vảy, khứa thành từng khoanh để ráo. Nước dừa tươi pha với nước mắm ngon đổ vô nồi nấu sôi lên. Hành cọng xắt thành đoạn nhỏ, đập dẹp, ớt khoanh bỏ vô nồi sau đó thả cá vô, nêm gia vị, để vừa lửa cho tới khi cá chín. Món này ăn kèm rau, xoài sống thì rất hao cơm. Ngoài ra, cá cóc cũng có thể nấu ngót nhưng không ngon bằng.

No comments: